16/3/16

Thành công kỹ thuật giảm đau mới cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Dân trí Ngày 15/3, tin từ Khoa Gây mê Hồi sức B, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết vừa thực hiện thành công kỹ thuật giảm đau mới cho bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối.

Theo đó, bệnh nhân là bà Nguyễn Thị L. (46 tuổi, quê ở Thanh Hoá) bị bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Bà L. trước khi nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế (vào ngày 1/3) thì đã trải qua phẫu thuật ung thư vú năm vào 2012 tại bệnh viện K Hà Nội và phẫu thuật 2 lần U sau phúc mạc di căn tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.
Từ 2 năm nay, do bệnh ung thư tiến triển và ở giai đoạn cuối nên bà L. đã có những cơn đau dữ dội, dai dẳng. Qua thông tin của một số chuyên gia y tế, bệnh nhân L. đã nhập Bệnh viện Trung ương Huế tại Khoa Gây mê Hồi sức B và điều trị tại Đơn nguyên Chống đau ở Khoa này.
Tại khoa Gây mê Hồi sức B, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân Nguyễn Thị L có cơ chế đau phức tạp, bao gồm cả đau do cảm thụ và tổn thương thần kinh kèm loạn cảm đau. Sau khi đặt catheter ngoài màng cứng và dò liều các thuốc giảm đau, nhóm bác sĩ khoa Gây mê Hồi sức B và khoa Ung bướu đã phối hợp đặt buồng tiêm nối với hệ thống catheter được luồn dưới da đi vào khoang ngoài màng cứng để có thể dùng các thuốc giảm kéo dài và bệnh nhân có thể về nhà và tự bơm thuốc vào mỗi khi lên cơn đau và bơm tiêm có thể lưu trong cơ thể suốt đời.
nhóm bác sĩ khoa Gây mê Hồi sức B và khoa Ung bướu tiến hành kỹ thuật giảm đau mới cho bệnh nhân L. bị ung thư giai đoạn cuối (ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp)
nhóm bác sĩ khoa Gây mê Hồi sức B và khoa Ung bướu tiến hành kỹ thuật giảm đau mới cho bệnh nhân L. bị ung thư giai đoạn cuối (ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp)
Sau khi thực hiện đặt thành công, hiện tại nữ bệnh nhân L. đã hết đau hoàn toàn. Dự kiến trong thời gian tới, kỹ thuật này sẽ được thực hiện rộng rãi cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có các cơn đau mức độ nặng.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, kỹ thuật mới này giúp các bác sĩ có thể điều trị giảm đau cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau mức độ nặng và kháng trị với những thuốc giảm đau dùng đường tĩnh mạch. Đây là một kỹ thuật mới tại Việt Nam và được triển khai lần đầu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đại Dương

15/3/16

Sẽ có thuốc điều trị ung thư trúng đích “made in Việt Nam”

Dân trí Một loại thuốc mới điều trị ung thư trúng đích do Việt Nam bào chế có giá trị chỉ bằng 1/3 chế phẩm có bản quyền tại Mỹ, nhưng hiệu quả điều trị là tương đương sắp được ra đời. Hiện tại thử nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm đã cho kết quả thành công.

Theo PGS.TS Phạm Thị Minh Huệ, Trường ĐH Dược Hà Nội- chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, các bệnh nhân bị ung thư phải truyền tĩnh mạch, thuốc ung thư độc tính rất cao sẽ đến tất cả các cơ quan lành trong cơ thể. Vì thế, việc bào chế một loại thuốc trúng đích, chỉ giải phóng thuốc khi gặp khối u, không ảnh hưởng đến các tế bào lành của cơ thể là mục tiêu của các nhà khoa học.
Thuốc điều trị ung thư trúng đích sẽ giảm tác dụng phụ, độc tính của thuốc lên các cơ quan lành.
Thuốc điều trị ung thư trúng đích sẽ giảm tác dụng phụ, độc tính của thuốc lên các cơ quan lành.
Tại Mỹ, một loại thuốc được cấp bản quyền, với tính năng này nhưng chí phí rất đắt, khoảng trên 7 triệu/lọ, trong khi đó liệu trình điều trị phụ thuộc vào kích thước khối u, với chi phí rất cao nên người bệnh nghèo sẽ không có cơ hội tiếp cận thuốc.
Tại Việt Nam, nhóm nhà khoa học tại trường Đại học Dược đã bào chế thành công chế phẩm điều trị trúng đích trong chữa bệnh ung thư bằng công nghệ nano liposome đã được chứng minh thành công trong phòng thí nghiệm.
Với công nghệ này, hoạt chất diệt ung thư Doxorubocin được đưa đến trúng “đích” là khối u ác tính để tiêu diệt khối u ác tính hiệu quả mà không gây tổn thương phần lành, giảm thấp nhất tình trạng cơ thể bị nhiễm độc do thuốc.
Chế phẩm này đã được thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm, trên chuột mang tế bào ung thư người. Theo đó, các chuyên gia của Học viện Quân Y đã cấy thành công khối u từ tế bào ung thư người trên chuột, trong đó có ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư cổ, ung thư lưỡi và một số ung thư khác.
“Chúng tôi đã thử nghiệm theo tiêu chuẩn như thế giới quy định, tối thiểu 4 lô, mỗi lô 6 con chuột. Theo đó, trên các con chuột được cấy thành công khối u từ tế bào ung thư người, có con chuột mang khối u nhưng không được tiêm thuốc; Con chuột mang khối u được truyền thuốc nhưng không phải dạng nano này; Con chuột được tiêm thuốc của Mỹ; Con chuột được tiêm chế phẩm mà chúng tôi bào chế. Kết quả cho thấy khối u ung thư phổi, ung thư đại tràng giảm đi rõ rệt, kéo dài thời gian sống của con vật. Kết quả này là tương đương, có phần nổi trội với chế phẩm nhập ngoại, giá rất đắt ấy”, PGS Huệ cho biết.
Đặc biệt, việc làm chủ công nghệ nano liposome sẽ giúp các nhà khoa học bào chế được các thuốc trúng đích khác. Ví dụ, có những thuốc điều trị gây độc tính cho tim, thuốc điều trị nấm gây độc tính cho thận… hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ này để bào chế thuốc sao cho thuốc chỉ tập trung ở vùng bị bệnh mà không ảnh hưởng đến các cơ quan lành. Đó là sự tiến bộ của thuốc trúng đích.
“Do đã làm chủ được công nghệ, việc bào chế các thuốc trúng đích này là trong tầm tay, ngoài thuốc trúng đích chữa ung thư có thể triển khai rộng hơn với các dược chất khác, để bào chế dạng tương tự”.
PGS Huệ cho biết sản phẩm này đã sản xuất thành công quy mô phòng thí nghiệm. Thời gian tới, chế phẩm sẽ được mở rộng quy mô sản xuất và thử nghiệm rộng rãi hơn trên động vật, trên người. Hiện nhóm nghiên cứu đã đã làm chủ công nghệ này, do đó có thể sản xuất được các thuốc nhắm đích điều trị ung thư khác như Paclitaxel (điều trị ung thư phổi, ung thư vú, ung thư buồng trứng).
PGS Huệ hy vọng trong vài năm tới Việt Nam sẽ cho ra đời chế phẩm thuốc điều trị ung thư trúng đích điều trị cho người. Nếu thành công chi phí mà người bệnh phải chi loại thuốc chỉ bằng 1/3 – 1/4 so với thuốc nhập khẩu.
Hồng Hải