18/5/16

Kỹ thuật mới cho điều trị ung thư đại trực tràng

(Khoa học) - Phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên đến nay đã được xem là phương pháp điều trị tốt nhất cho ung thư đại trực tràng.

  • Kỹ thuật phẫu thuật nội soi qua lổ tự nhiên điều trị ung thư đại trực tràng do PGS.TS. Phạm Như Hiệp và các cộng sự Bệnh viện trung ương Huế lần đầu tiên triển khai đã mang lại thành công và hiệu quả cao, đây là bước tiến mới của kỹ thuật nội soi ung thư ở Việt Nam so với các nước trên thế giới.
PGS.TS. Phạm Như Hiệp - Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Tại bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi tiến hành phẫu thuật nội soi phối hợp NOTES qua ngả hậu môn cho bệnh nhân ung thư trực tràng thấp từ năm 2007, và đã có báo cáo tại các hội nghị trong và ngoài nước.
Chúng tôi cũng đã thực hiện thành công 20 trường hợp phẫu thuật cắt đoạn đại trực tràng qua lỗ tự nhiên (4 trường hợp qua lỗ âm đạo). Hiện nay, chưa có trung tâm nào của Việt Nam công bố đã thực hiện phẫu thuật nội soi cắt đại trực tràng hoàn toàn qua lỗ tự nhiên. Do vậy, có thể nói chúng tôi là đơn vị đầu tiên triển khai và đã làm chủ được kỹ thuật này".
Ky thuat moi cho dieu tri ung thu dai truc trang
Ca phẫu thuật nội soi do PGS.TS.BS. Phạm Như Hiệp (người ngồi giữa) chủ trì tại BV Trung ương Huế.
Phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên cắt đại trực tràng là phẫu thuật mà tất cả dụng cụ phẫu thuật được đưa qua lỗ hậu môn hoặc âm đạo để tiến hành phẫu tích, sau đó lấy bệnh phẩm và khâu nối đều qua duy nhất con đường này mà ko cần phải tiến hành đường bụng. Điều này khác với các kỹ thuật nội soi cắt đại trực tràng truyền thống khác là hầu hết các kênh thao tác đều tiến hành từ đường bụng. Phù hợp với xu hướng hiện nay của thế giới là phẫu thuật càng ngày càng ít xâm nhập.
"Song song với nghiên cứu phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên trong điều trị ung thư đại trực tràng, chúng tôi nghiên cứu ứng dụng lấy bệnh phẩm qua ngả tự nhiên là hậu môn và nối đại tràng với ống hậu môn trong ung thư trực tràng trung gian và thấp bằng sử dụng Phẫu thuật nội soi một lỗ kết hợp kỹ thuật bọc niêm mạc hậu môn. Đây là xu hướng hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới", TS. Hiệp cho hay.
Ưu điểm của việc ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị bệnh UTĐTT là rút ngắn thời gian nằm viện, thời gian phục hồi sau mổ nhanh, người bệnh ít đau... Ngoài ra, trong một số phẫu thuật của vùng trực tràng và tiểu khung, phẫu thuật nội soi dễ dàng thao tác và quan sát tốt hơn phẫu thuật mở. Đặc biệt, trong phẫu thuật nội soi các biến chứng rất ít xảy ra và có phần thấp hơn mổ hở.
Đáng chú ý, gần đây, bệnh viện đã mạnh dạn triển khai thêm các kỹ thuật mới như dao cắt siêu âm, dao hàn mạch, phẫu thuật một trô ca (1 lỗ), một đường mổ, lấy bệnh phẩm qua lỗ tự nhiên (NOTES),... nên đã hoàn thiện hơn nữa phẫu thuật nội soi trong lĩnh vực này.
Về tỷ lệ thành công của phẫu thuật nội soi UTĐTT, theo PGS.TS. Phạm Như Hiệp, nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm, tỉ lệ thành công của phẫu thuật nội soi trong UTĐTT gần như tuyệt đối.
Trường hợp bệnh nhân vào viện muộn, ung thư đã có biến chứng như tắc ruột, di căn... thì tỉ lệ thành công thấp hơn có khi phải chuyển sang mổ mở hoặc chỉ làm được phẫu thuật tạm thời.
Ky thuat moi cho dieu tri ung thu dai truc trang
PGS.TS. Phạm Như Hiệp (đứng giữa) được nhận giải nhất cho đề tài của mình. Ảnh: VUSTA
Mỗi năm, có 11 triệu trường hợp ung thư đại tràng mới xảy ra trên toàn thế giới. Ở nước ta, ghi nhận ung thư ở Hà Nội cho thấy ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 ở cả hai giới sau ung thư phổi, dạ dày, gan và vú ở nữ. Tỉ lệ mắc chuẩn theo tuổi của bệnh là 7,5/100.000 dân.
Đề tài “Kỹ thuật phẫu thuật nội soi qua lổ tự nhiên điều trị ung thư đại trực tràng” đã vinh dự được trao giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13, năm 2015.
Cúc Phương (Tổng hợp VUSTA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét